Xét tuyển sớm gây mất công bằng các trường nói gì?

2024-03-19 16:18:35

Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá việc các trường đại học đua nhau xét tuyển sớm là tình trạng nhức nhối, gây mất công bằng trong tuyển sinh.

 
Ông Lê Xuân Vinh - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Quy Nhơn - cho rằng xét tuyển sớm tạo điều kiện cho các trường cũng như giảm áp lực cho hệ thống tuyển sinh - Ảnh: M.G.

Ông Lê Xuân Vinh - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Quy Nhơn - cho rằng xét tuyển sớm tạo điều kiện cho các trường cũng như giảm áp lực cho hệ thống tuyển sinh - Ảnh: M.G.

Nhận định này được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra trong hội nghị tuyển sinh mới đây. Các trường đại học sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển gây mất công bằng, hình thức xét tuyển sớm là hiện tượng nhức nhối trong tuyển sinh nhiều năm qua.

214/322 cơ sở đào tạo xét tuyển sớm

Thống kê năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy có 214/322 cơ sở đào tạo xét tuyển sớm. Số thí sinh trúng tuyển sớm sau lọc ảo trên 301.849 thí sinh nhưng chỉ có 147.372 thí sinh nhập học, chiếm khoảng 40%. 

Số thí sinh trúng tuyển sớm nhập học chiếm khoảng 30% tổng số thí sinh trúng tuyển nhập học năm 2023 (546.686).

Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá xét tuyển sớm là một trong những hình thức tuyển sinh có nhiều bất cập, gây mất công bằng bên cạnh việc tuyển sinh bằng nhiều phương thức xét tuyển, tỉ lệ ảo lớn.

Không đồng tình với nhận định này từ cơ quan quản lý, nhiều trường đại học nói xét tuyển sớm là cách để các trường giảm tải cho hệ thống, việc ảo là do quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo ông Lê Xuân Vinh - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Quy Nhơn, cần duy trì việc xét tuyển sớm để các trường xét tuyển các phương thức xét tuyển khác, không gây áp lực trong lần xét tuyển đợt 1.

Còn ông Lê Trường Tùng - chủ tịch Hội đồng trường Trường đại học FPT - cho rằng nhận định xét tuyển sớm không thực sự hiệu quả cũng không hoàn toàn chính xác. 

Tỉ lệ ảo của hình thức xét tuyển này cao do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định trúng tuyển sớm nhưng không cho nhập học sớm. Từ đó ông đề xuất nên cho các trường gọi nhập học những thí sinh trúng tuyển khi xét tuyển sớm.

Ngược lại, đại diện một số đại học như Thái Nguyên, Đà Nẵng nói hình thức xét tuyển sớm phần nào tạo điều kiện thuận lợi cho các trường tuyển sinh trong những năm qua, nhưng đúng là tỉ lệ ảo của hình thức xét tuyển này rất lớn, gây tâm lý ỷ lại ở những thí sinh đã trúng tuyển, lơ là học văn hóa.

 

Điều này dẫn đến sự chênh lệch lớn về điểm số giữa thí sinh trúng tuyển theo phương thức học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT.

"Nhức nhối trong tuyển sinh nhiều năm qua" 

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, xét tuyển sớm là hiện tượng nhức nhối trong tuyển sinh nhiều năm qua, gây ra thiếu công bằng. Điều này không phải chỉ xuất hiện ở một trường mà rất nhiều trường.

Trước khi đưa ra nhận định này, ông Hoàng Minh Sơn đưa ra ví dụ cụ thể. Trường xác định 100 chỉ tiêu nhưng nâng lên 200 chỉ tiêu cho xét tuyển sớm. Cuối cùng trường tuyển đủ 100 thí sinh đăng ký xét tuyển sớm. Như vậy sẽ không còn chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển khác.

"Xét tuyển sớm nếu dành cho tuyển thẳng, thí sinh rất tài năng, năng khiếu hay trường có thể nhận thoải mái mà không lo chỉ tiêu thì rất tốt. Nhưng nếu không kiểm soát được chỉ tiêu sẽ dẫn đến mất công bằng. 

Hầu hết các trường làm nghiêm túc trong khi một số trường tuyển sinh bất chấp. Không chỉ vượt chỉ tiêu đưa ra mà còn vượt năng lực đào tạo rất nhiều. Tự chủ chứ không phải tự do", ông Sơn nhận định.

Để hạn chế sự mất công bằng trong tuyển sinh, ông Sơn đề nghị Vụ Giáo dục đại học sửa quy chế tuyển sinh nếu cần liên quan đến phương thức xét tuyển và hình thức xét tuyển sớm, công bố chậm nhất vào tháng 8-2024.

Thí sinh xét tuyển học bạ điểm thấp hơn

Chênh lệch điểm thi tốt nghiệp THPT giữa nhóm thí sinh trúng tuyển bằng học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT - Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Chênh lệch điểm thi tốt nghiệp THPT giữa nhóm thí sinh trúng tuyển bằng học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT - Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Năm 2023, các trường đại học sử dụng đến 20 phương thức xét tuyển. Tuy nhiên xét điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ là hai hình thức chính, có số lượng thí sinh trúng tuyển chiếm tỉ lệ áp đảo. Trong đó xét điểm thi tốt nghiệp THPT chiếm 49,45%, học bạ 30,24%.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phân tích kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT của hai nhóm thí sinh trúng tuyển đại học bằng phương thức xét học bạ và xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Kết quả cho thấy có 60% thí sinh trúng tuyển bằng học bạ có tổng điểm thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp 3 môn khoảng 20 điểm.

Trong khi đó, 60% thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT có điểm thi tốt nghiệp THPT 3 môn trên 23 điểm.

"Như vậy điểm thi tốt nghiệp THPT có khả năng phân loại thí sinh tốt hơn khi xét tuyển vào các trường đại học. Chúng tôi khuyến cáo khi xét tuyển bằng phương thức xét học bạ nên sử dụng thêm ngưỡng đầu vào bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT để gia tăng sự công bằng giữa các nhóm thí sinh", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo - nhấn mạnh.

theo tuoitre.vn