Nhân viên trường học mong gì khi cải cách tiền lương?

2024-03-27 14:12:06

Dù không trực tiếp đứng lớp giảng dạy nhưng vai trò của đội ngũ như y tế, kế toán, văn thư, nuôi dưỡng… vô cùng quan trọng...

Công việc của nhân viên nuôi dưỡng trường mầm non rất vất vả. Ảnh minh họa: TG
Công việc của nhân viên nuôi dưỡng trường mầm non rất vất vả. Ảnh minh họa: TG

Đội ngũ nhân viên các trường học bày tỏ mong muốn được tăng thêm phụ cấp khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 năm 2018 của Trung ương từ ngày 1/7.

14 năm công tác, lương hơn 4 triệu đồng/tháng

Quê gốc ở Thái Bình, chị Nguyễn Thị Hoa bắt đầu làm nhân viên nuôi dưỡng tại Trường Mầm non Kim Sơn, (Gia Lâm, Hà Nội) từ năm 2010. Công việc của các chị rất vất vả khi mỗi ngày phục vụ suất ăn cho hơn 600 trẻ và giáo viên. Do chưa có thang máy nên nhân viên nuôi dưỡng thường xuyên bê vác, di chuyển đồ ăn từ bếp lên các lớp gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Bản thân chị Hoa bị rách vòng xơ đĩa đệm và phải đeo đai lưng. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh, chị không nghỉ buổi nào để có thu nhập.

Sau 14 năm đi làm, chị Hoa đang hưởng lương bậc 7, hệ số 3,06 theo bảng lương viên chức loại B kể từ ngày 1/12/2023 là 5.508.000 đồng, sau khi trừ bảo hiểm thực lĩnh được 4.929.000 đồng/tháng. Mỗi tháng, nhà trường hỗ trợ nhân viên bếp 300.000 đồng/người từ tiền bán trú. Dù không nhiều nhưng là sự động viên lớn của ban giám hiệu. Với đồng lương ít ỏi, chị phải chi tiêu tằn tiện, cắt giảm mọi thứ kể cả tiền tàu xe về quê để có thể trang trải cuộc sống và nuôi con đang học lớp 6 tại Hà Nội.

Chị Lê Thị Hằng – nhân viên nuôi dưỡng tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội) cũng cho biết, sau hơn 13 năm gắn bó với nghề, chị đang hưởng lương bậc 7 là 4.400.000 đồng/tháng và chưa được hưởng thêm bất cứ phụ cấp gì. Đội ngũ nhân viên bếp phải đến từ sớm để tham gia giao nhận thực phẩm rồi sơ chế, chế biến, phân chia thực phẩm tới các lớp cho trẻ. Làm việc trong môi trường khắc nghiệt, độc hại khi phải thường xuyên tiếp xúc với khí gas, chị bày tỏ mong muốn các cấp lãnh đạo quan tâm và bổ sung thêm phụ cấp độc hại cho nhân viên bếp.

Nhiều nhân viên kế toán trường học vì không chịu được áp lực công việc nên đã bỏ nghề. Ảnh minh họa: TG

Nhiều nhân viên kế toán trường học vì không chịu được áp lực công việc nên đã bỏ nghề. Ảnh minh họa: TG

Mong không “nằm ngoài” chính sách

Bộ phận kế toán trường học hiện nay đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau nhưng thu nhập còn thấp. Chị Nguyễn Thị Thảo – nhân viên kế toán tại tỉnh Đồng Nai cho hay, có người gắn bó hàng chục năm trong nghề nhưng lương chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng cộng với phụ cấp trách nhiệm 180 nghìn đồng.

Theo chị Thảo, cùng trình độ đào tạo và nhiều chứng chỉ, tiêu chuẩn tương đương nhưng giáo viên có thể hưởng hạng 2 với mức lương khởi điểm hệ số 4,0 một cách dễ dàng, nhưng kế toán trường mầm non, tiểu học và THCS thì chưa biết thăng hạng là gì.

“Kế toán làm việc với các số liệu từ ngân sách, phòng GD&ĐT, phòng Tài chính, kho bạc, bảo hiểm, ngân hàng, thuế... Đó là chưa kể mấy trăm học sinh với những khoản thu không cố định mỗi tháng. Một số người dù có bằng đại học rất lâu nhưng vẫn hưởng lương trung cấp. Chúng tôi mong được Nhà nước quan tâm để tăng lương và phụ cấp xứng đáng với tính chất công việc”, chị Thảo bày tỏ.

Công tác trong ngành hơn 30 năm, ông Nguyễn Doãn Dương – kế toán Trường THPT Thanh Chương 1 (Nghệ An) hiện hưởng lương kế toán viên mã ngạch 06.031 với hệ số 4,98 và 0,1 phụ cấp trách nhiệm, mỗi tháng thu nhập khoảng 8 triệu đồng. Là đội ngũ tính thu nhập cho anh chị em trong đơn vị mỗi tháng, thấy họ được nhiều phụ cấp khác, trong khi kế toán công việc nhiều, trách nhiệm cao nhưng thu nhập quá “bèo bọt” nên ông cảm thấy khá chạnh lòng.

“Chế độ tiền lương cho bộ phận kế toán trường học hiện nay chưa tương xứng với khối lượng, tính chất công việc. Cùng là kế toán nhưng nếu làm ở cơ quan hành chính cấp xã/huyện, được hưởng phụ cấp công vụ 25%, còn kế toán trường học thì không. Nếu là giáo viên sẽ có phụ cấp đứng lớp, thâm niên.

Còn kế toán, hiện mới có quy định phụ cấp trách nhiệm của kế toán trưởng các đơn vị bằng 0,1 lương cơ sở. Hy vọng trong đợt cải cách chính sách tiền lương mới từ 1/7, đội ngũ nhân viên kế toán trường học sẽ không bị “bỏ quên”. Bởi chỉ khi được đãi ngộ xứng đáng, anh chị xem mới có tâm huyết để cống hiến, bám nghề”, ông Dương tâm sự.

Với tính chất công việc đặc thù, anh Sùng Tiến Toàn – nhân viên thiết bị trường học tại Trường THPT Vị Xuyên (Hà Giang) trao đổi: Vào nghề từ năm 2008 với mức lương khởi điểm khoảng 2 triệu đồng. Sau hơn 15 năm, anh đang hưởng hệ số lương 3,26 – tương đương 6 triệu đồng/tháng và không có phụ cấp. Ngoài nhiệm vụ chính, anh cũng hỗ trợ thêm công tác văn phòng của nhà trường và vệ sinh trường lớp khi phụ huynh có nhu cầu để cải thiện thu nhập. Với mức lương hiện tại, anh Toàn mong sẽ được quan tâm trong đợt cải cách tiền lương mới.

Bày tỏ niềm vui và hy vọng vào đợt cải cách tiền lương sắp tới, chị Nguyễn Phương Duy – nhân viên y tế Trường Mầm non An Khánh B (Hoài Đức, Hà Nội) mong Nhà nước tiếp tục quan tâm tới đời sống của đội ngũ nhân viên trường học và được tăng lương giống như giáo viên. Dù không trực tiếp đứng lớp giảng dạy nhưng vai trò của đội ngũ như y tế, kế toán, văn thư, nuôi dưỡng… vô cùng quan trọng. Mỗi nhà trường như một cỗ máy, muốn hoạt động tốt cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận.

theo giaoducthoidai.vn