TUNGVIET SMART EDUCATION- Công ty cung cấp giải pháp Edtech hàng đầu Việt Nam

Dạy CTGDPT mới: Giáo viên được thỏa sức sáng tạo trong bài giảng của mình

2023-05-25 17:47:15

Dạy học chương trình mới phải giúp học sinh được khám phá, sáng tạo bằng phát biểu ý kiến, bằng các bài tập thực hành để phát huy năng lực cá nhân và tập thể.

 

Qua 2 năm triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc trung học cơ sở, một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất là dạy học các môn tích hợp. Điều quan trọng là mỗi trường học phải sắp xếp, bố trí giáo viên, tổ chức bài học, kiểm tra đánh giá như thế nào để đảm bảo tính chất tích hợp, liên môn của môn học.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lê Thanh Thuý – Tổ trưởng Tổ Xã hội, Trường Marie Curie (Hà Nội) cho biết, so với chương trình giáo dục phổ thông 2006 thì kiến thức môn Lịch sử và Địa lý của chương trình giáo dục phổ thông 2018 khá nhẹ nhàng và người học dễ tiếp cận hơn.

Học sinh sẽ được hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiến thức thay vì chỉ có thầy cô cung cấp kiến thức như trước đây.

Dạy CTGDPT mới: Giáo viên được thỏa sức sáng tạo trong bài giảng của mình ảnh 1

Cô Lê Thanh Thuý – Tổ trưởng Tổ Xã hội, Trường Marie Curie (Hà Nội). Ảnh: NVCC

Điều mà các giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý tâm đắc nhất là chương trình không bó buộc, tùy thuộc vào từng giáo viên và từng nhà trường sắp xếp nên giáo viên có thể thỏa sức sáng tạo trong bài giảng của mình.

Về việc bố trí giáo viên dạy môn học này, nhà trường vẫn phân công các thầy cô dạy theo phân môn, giáo viên Lịch sử dạy phân môn Lịch sử, giáo viên Địa lý dạy phân môn Địa lý. Tuy nhiên vẫn đảm bảo tính chất tích hợp, liên môn của môn học.

Cụ thể, phần chủ đề chung sẽ linh hoạt vì thầy cô phân môn nào cũng có thể dạy học và đảm bảo mục tiêu đặt ra.

Trong quá trình giảng dạy, các thầy cô hai phân môn Lịch sử, Địa lý luôn học hỏi, trau dồi chuyên môn của môn học còn lại, để sao cho bài giảng phong phú, tích hợp nhuần nhuyễn cả kiến thức Lịch sử và Địa lý theo chiều dọc.

Các nội dung Lịch sử và Địa lý có nhiều phần liên quan tới nhau đều được sắp xếp thời gian bài học hợp lý, để học sinh có thể liên hệ dễ dàng khi học hai phân môn này. Ví dụ, Lịch sử học về Tây Âu từ thế kỉ V đến đầu thế kỉ XVI thì Địa Lý cũng học về châu Âu; Lịch sử học về Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á thì Địa lý học về châu Á; Bài “Các cuộc phát kiến địa lý từ thế kỉ XV đến thế kỉ XVI” trong Lịch sử sẽ được dạy trước bài “Vị trí địa lý, phạm vi và việc phát kiến ra châu Mỹ” trong phần Địa Lý;…

Theo cô Lê Thanh Thuý, quá trình triển khai dạy học tại Trường Marie Curie không gặp khó khăn vì các thầy cô đều được đào tạo chính quy, có chuyên môn sư phạm, được tập huấn thường xuyên, có tổ chuyên môn hỗ trợ, và đặc biệt cơ sở vật chất hiện đại của nhà trường hỗ trợ rất nhiều trong việc giảng dạy.

“Việc sắp xếp thời khóa biểu của nhà trường rất phù hợp cho việc theo kịp tiến độ cả 2 phân môn: Ví dụ nửa đầu học kì 1, mỗi tuần có 1 tiết Địa lý, 2 tiết Lịch sử; Nửa sau học kì 1, mỗi tuần sẽ bố trí 2 tiết Địa lý, 1 tiết Lịch sử; Sang học kì 2 cũng tương tự như vậy”, cô Thuý cho hay.

Đối với việc kiểm tra đánh giá môn học, hai giáo viên sẽ có 4 lần cho điểm đối với kiểm tra thường xuyên (giáo viên dạy phần Địa lý có 2 lần cho điểm và giáo viên dạy phần Lịch sử có 2 lần cho điểm). Điểm kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ, 2 giáo viên sẽ thống nhất ra đề để đảm bảo đủ kiến thức của cả 2 môn thống nhất về thời gian, nội dung, kiến thức.

Sáng tạo, đổi mới trong dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh

Theo đánh giá của Tổ trưởng Tổ Xã hội, Trường Marie Curie, so với chương trình giáo dục phổ thông 2006, từ khi triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh có nhiều chuyển biến tích cực.

Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh đã tự lực chiếm lĩnh kiến thức để phát triển năng lực, phẩm chất (qua hoạt động học và vận dụng kiến thức). Học sinh tích cực, hào hứng hơn trong các hoạt động học tập.

Các em được hình thành và phát triển năng lực tự học, ngoài học theo nội dung, học sinh được thầy cô khuyến khích và tạo điều kiện mở rộng kiến thức, tham gia các hoạt động để vận dụng kiến thức vào thực tiễn -“Học qua làm”.

Dạy CTGDPT mới: Giáo viên được thỏa sức sáng tạo trong bài giảng của mình ảnh 2

Học trò trường Marie Curie (Hà Nội)

Dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới đòi hỏi giáo viên cũng phải có sự chủ động cao hơn nên những yêu cầu đặt ra cho giáo viên là phải luôn phải trau dồi cả về kiến thức và phương pháp giảng dạy, để giúp học sinh phát huy được phẩm chất và năng lực.

Sách giáo khoa mới có bổ sung thêm vài đơn vị kiến thức mới mà sách giáo khoa cũ không có trong chương trình, vì vậy, buộc giáo viên phải đầu tư bài giảng, tìm hiểu sâu hơn cho những đơn vị kiến thức mới này.

Bên cạnh đó, sách giáo khoa mới tăng kênh hình, giảm kênh chữ, nên cần có những hình thức dạy học mới phù hợp. Ví dụ: cô trò cần đọc, tìm hiểu và khai thác nguồn kiến thức từ kênh hình chứ không chỉ là kênh chữ như trước kia. Trong tiết học, học sinh được phát biểu về những tìm tòi, phát hiện của mình.... điều này làm tăng tính tích cực, chủ động của người học.

“Qua thực tế 2 năm dạy môn học này, giáo viên trường Marie Curie đã rút ra được những bài học kinh nghiệm cho việc dạy môn học mới này như: bài giảng điện tử cần được thiết kế khoa học, đẹp mắt, tạo hứng thú cho học sinh.

Bài giảng muốn hay cũng cần tăng cường bằng kênh hình, video liên quan tới nội dung hay lồng ghép các yếu tố thời sự, hiện đại để kiến thức môn học không bị nhàm chán.

Ví dụ, trong phần Lịch sử, khi dạy về phong tục, tập quán của nước ta thời Văn Lang, Âu Lạc, ngoài việc cho học sinh biết đến các phong tục tập quán đó, giáo viên có thể liên hệ với thực tế, có rất nhiều phong tục tập quán đang được lưu giữ đến tận bây giờ. Thầy cô minh chứng bằng cách chiếu một số hình ảnh các bạn trẻ trên phố đi bộ Hà Nội chơi các trò chơi dân gian, hoặc ở mỗi vùng quê còn lưu giữ rất nhiều phong tục sinh hoạt văn hóa tốt đẹp.

Hay đổi mới trong kiểm tra, đánh giá, thời gian qua, trong bài kiểm tra có câu hỏi: "Từ sự thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn, em rút ra được bài học kinh nghiệm gì đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay? Hãy đưa ra một vài ví dụ chứng minh". Với câu hỏi đó, rất nhiều học sinh nêu được trong 2 năm đại dịch covid vừa rồi, toàn thể dân tộc ta dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chính phủ đã đoàn kết với nhau đẩy lùi được đại dịch.

Trong phần Địa lý, khi dạy về biến đổi khí hậu, giáo viên cũng có thể cho học sinh học tập qua video tương ứng với nội dung từng bài học.

Như vậy, thay đổi phương pháp dạy học sẽ tạo nên hiệu quả, hứng thú với học sinh.

Thêm một điều quan trọng là cho các em được khám phá, tìm tòi, sáng tạo bằng phát biểu ý kiến, bằng các bài tập thực hành để phát huy năng lực cá nhân và tập thể.

Quan trọng nhất, giáo viên vẫn phải dạy chuẩn kiến thức, có lối dạy học thú vị, hấp dẫn, đưa ra được những gợi ý phù hợp cho mỗi lứa tuổi học sinh để các con được thực hành, vận dụng và luôn sáng tạo ở mỗi bài dạy”, cô Thuý cho biết.

Phạm Minh
theo giaoduc.net.vn